Hội nghị bàn tròn “Pháp luật và Đạo đức”: Đề xuất nghiên cứu nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan
(PLVN) - Pháp luật và Đạo đức là những vấn đề luôn được các nhà khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu. Nhằm làm rõ hơn khái niệm pháp luật, đạo đức, mối quan hệ giữa chúng qua các thời kỳ cũng như trong một số lĩnh vực cụ thể và việc vận dụng mối quan hệ đó trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, sáng 9/5, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị bàn tròn: “Pháp luật và Đạo đức”.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc. |
Dự hội nghị có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Luật học; GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; đại diện thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Luật học; các thầy, cô là giảng viên, nguyên giảng viên các khoa chuyên môn và một số nghiên cứu sinh, học viên cao học quan tâm đến chủ đề. Ngoài việc tham gia trực tiếp, nhiều đại biểu quan tâm còn tham gia Hội nghị bàn tròn bằng hình thức trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật học phát biểu dẫn đề. |
Phát biểu dẫn đề, PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật học nhấn mạnh, pháp luật và đạo đức không phải là chủ đề mới đối với giới nghiên cứu, đã có nhiều học giả công bố các nghiên cứu chuyên sâu tuy nhiên nhưng nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề này vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, đặc biệt là kết nối vấn đề quan hệ giữa pháp luật và đạo đức với những vấn đề pháp lý đương đại đặt ra trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, có thể kể đến như: đạo đức công vụ, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền nhân thân…. Đây là mảnh đất màu mỡ mà các nhà khoa học tiếp tục có thể khai thác trong các nghiên cứu của mình phục vụ trực tiếp việc xây dựng chính sách, pháp luật, thực thi và bảo vệ pháp luật.
Đề cập về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, diễn giả chính - GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần làm sao để gia tăng vị trí, vai trò, tính cấp thiết của đạo đức trong các lĩnh vực pháp luật. Pháp luật đã làm tròn vai trò bảo vệ đạo đức xã hội hay chưa? Có quan niệm cho rằng đạo đức chỉ là sự bổ sung cho pháp luật liệu có đúng hay không? Có tình huống hợp đạo đức nhưng lại trái pháp luật, hay phù hợp với quy định của pháp luật thì lại trái đạo đức xã hội. Vì vậy, không thể đồng nhất hoàn toàn sự phù hợp giữa pháp luật với đạo đức, hay ngược lại, mà xu hướng là làm sao để giảm sự xung đột, vênh, lệch đó trong các lĩnh vực pháp luật – GS Hoàng Thị Kim Quế nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày chuyên đề tại hội nghị. |
Về vị trí giữa hai vấn đề đạo đức - pháp luật hiện nay, GS Hoàng Thị Kim Quế cho rằng, đạo đức là cơ sở, là nền tảng của pháp luật. Đạo đức mang tính quyết định. Do vậy, pháp luật phải phù hợp với đạo đức, nếu không phù hợp thì pháp luật cần sửa đổi. Nếu có mâu thuẫn, xung đột, chưa có pháp luật quy định thì cần lấy đạo đức để giải quyết (đây cũng là lý do để pháp luật Việt Nam hiện nay quy định có nguồn áp dụng đa dạng hơn; tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng).
GS Hoàng Thị Kim Quế cũng gợi mở những vấn đề cần bàn luận, phản biện tại hội nghị như: vấn đề ngưỡng đạo đức, ngưỡng/giới hạn pháp luật, công lý; xu hướng vận động, phát triển của đạo đức, pháp luật và mối quan hệ giữa chúng; vấn đề đạo đức trong Hiến pháp…
Đồng tình với một số lập luận của GS Hoàng Thị Kim Quế, GS.TS Nguyễn Minh Đoan - Khoa Pháp luật Hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, pháp luật và đạo đức là hai hiện tượng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Vấn đề đặt ra là, khác với pháp luật, đạo đức được hình thành như thế nào? Do ai đặt ra? Việc lan tỏa và thực hiện như thế nào cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Pháp luật nằm trong đạo đức hay pháp luật và đạo đức giao nhau ở một phần nào đó. Có quan hệ xã hội thì đạo đức điều chỉnh, pháp luật không điều chỉnh và ngược lại. GS Nguyễn Minh Đoan cũng nêu rõ, đạo đức khi thực hiện thì đòi hỏi của cả hai yếu tố, đó là đòi hỏi của xã hội (là cái chung) và từ mỗi cá nhân (nhận thức, lương tâm); còn pháp luật là sự đòi hỏi chung của xã hội (quy tắc, chuẩn mực xử sự chung)…
Đạo đức là phạm trù có tính lịch sử, có nội dung, cách thức tiếp cận, thực hành khác nhau và sẽ biến đổi theo thời gian. Quá trình giao lưu, tác động của văn hóa, khoa học - kỹ thuật và xã hội cũng sẽ khiến phạm trù đạo đức có biến đổi nhất định. Vì vậy, phát biểu tại hội nghị bàn tròn này, GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nêu một số cách tiếp cận nội hàm của đạo đức. Nếu coi đạo đức là hình thái ý thức xã hội thì đó là tìm hiểu những vấn đề bản chất bên trong, ít coi trọng yếu tố vận dụng. Tiếp cận đạo đức từ giá trị văn hóa thì đó là những giá trị của con người mong muốn đạt tới, là lương tâm, động lực thôi thúc con người hành động theo những chuẩn mực. Xét về tính hợp pháp, hợp lý thì đạo đức và công lý có nhiều điểm chung với nhau…
Tuy nhiên, GS Lê Minh Tâm cũng đã chỉ ra một số khó khăn trong việc tiếp cận về đạo đức. Thứ nhất, nội hàm phạm trù đạo đức mang tính trừu tượng, rất khó để luận giải rõ ràng. Thứ hai, đồng tình với quan điểm đạo đức là cơ sở của pháp luật, nhưng qua mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đạo đức cũng có những cách nhìn khác nhau từ cá nhân, cộng đồng, dân tộc, từ đó đạo đức là cơ sở để xây dựng nên pháp luật đó có được cộng đồng thừa nhận chung hay không…
Các đại biểu tham dự hội nghị bàn tròn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh trong bài: Nga Vũ) |
Hội nghị bàn tròn về chủ pháp luật và đạo đức - hội nghị bàn tròn đầu tiên được Tạp chí Luật học tổ chức đã thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo các nhà khoa học với nhiều ý kiến trao đổi sâu sắc gợi mở nhiều hướng, nội dụng nghiên cứu mới. Thành công của Hội nghị bàn tròn này tạo đà thuận lợi cho tổ chức những hội nghị bàn tròn mang tính chất định kì kế tiếp mà Tạp chí Luật học đã có kế hoạch tổ chức thực hiện.
Nguồn: Báo Pháp luật